Thời gian nghỉ ngơi được quy định như thế nào?

legal-questions-answers

Thời gian nghỉ ngơi được quy định như thế nào?

Công ty chúng tôi có thể cho người lao động nghỉ vào ngày khác trong tuần thay vì ngày chủ nhật có được không? Do nhu cầu sản xuất nên thời gian làm việc trong ngày không cố định. Công ty có bắt buộc phải quy định cụ thể thời gian làm việc trong ngày?

Luatsu24h xin phản hồi cho các trường hợp của Quý Công ty như sau:

  1. Ngày nghỉ hằng tuần

Ngày nghỉ hàng tuần được Bộ luật lao động quy định như sau:

Điều 110. Nghỉ hằng tuần

  1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
  2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động được quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần, tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng việc sắp xếp này phải được cụ thể hóa vào nội quy lao động.

  1. Bố trí thời gian làm việc trong ngày

Pháp luật hiện không có quy định bắt buộc về thời gian bắt đầu và kết thúc của mỗi ca làm việc. Doanh nghiệp tự bố trí sắp xếp thời gian làm việc trong ngày nhưng phải đảm bảo quy định về thời giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật Lao động.

Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

  1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
  2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

  1. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”.

Doanh nghiệp có thể có các khung giờ làm việc khác nhau nhưng cần phải quy định cụ thể và chi tiết vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể cho từng bộ phận để người lao động nắm và tuân thủ.

Nếu có sự thay đổi nào về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cần phải chỉnh sửa lại nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp.