Xin chào Luật sư, tôi đang làm việc tại một Công ty Việt Nam có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Bây giờ phía công ty mẹ ở Hàn Quốc muốn cử một chuyên gia sang Việt Nam để đào tạo cho các nhân viên trong Công ty cách sử dụng thiết bị mới mà Công ty sắp phân phối ra thị trường. Thời gian đào tạo khoảng 20 ngày. Lương, thưởng, phụ cấp đều do phía Công ty mẹ Hàn Quốc chi trả. Vậy Luật sư cho tôi được biết trường hợp này có phải xin cấp Giấy phép lao động không? Nếu có, cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Nếu không, có cần thông báo đến cơ quan Nhà nước hày không? Xin chân thành cảm ơn và hy vọng sớm nhận được phản hồi của Luật sư.
Trả lời: Đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc, chúng tôi gửi bạn một số ý kiến pháp lý như sau:
Thứ nhất, điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP có quy định như sau: “2. Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm: …… e) Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm;”
Thứ hai, theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì: “2. Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 172 của Bộ luật lao động và điểm e, điểm i Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.”
Căn cứ vào các quy định được trích dẫn trên có thể thấy, nếu người lao động nước ngoài làm việc tại vị trí chuyên gia trong Công ty Việt Nam với thời hạn dưới 30 ngày thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động, và cũng không phải thực hiện thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.